“Vỡ trận” Cocobay Đà Nẵng: Khách hàng kiện được không?

· Tháng Mười Một 28, 2019

Spread the love

Theo Luật sư Bùi Quang Hưng, phải tính đến các phương án như chủ đầu tư đưa ra, quyết định chọn phương án nào là do mọi người nhưng phương án nào cũng có những thiệt thòi riêng bởi “chờ được vạ má đã sưng”.

Trong thư gửi khách hàng, Tập đoàn Thành Đô phải xin lỗi vì đã không thể thực hiện được chi trả lợi nhuận cam kết 12% như đã hứa trong hợp đồng với khách hàng.

Khách hàng có thể kiện nhưng “chờ được vạ má đã sưng"

Khách hàng có thể kiện nhưng “chờ được vạ má đã sưng”

Sau đó, trong buổi trả lời báo chí, ông Nguyễn Đức Thành – Chủ tịch HĐQT Empire Group thừa nhận việc này là vi phạm hợp đồng mua bán. Trong các giải pháp Empire Group đưa ra, công ty cũng đề xuất thanh lý hợp đồng mua bán và nhận lại tiền mua condotel, liền kề khối boutique.

Ông Thành cho rằng, nếu thanh lý hợp đồng và nhận lại tiền, khách hàng vẫn được đảm bảo quyền lợi hợp pháp, không mất và chưa thiệt hại gì. “Nếu khách hàng không chấp nhận, có thể kiện”, đại diện chủ đầu tư nói

Trong hai hợp đồng ký với khách hàng gồm hợp đồng mua bán và hợp đồng cho thuê lại đều có điều khoản nêu rõ “không phụ thuộc vào kết quả kinh doanh”, chủ đầu tư cam kết thanh toán cho khách mua một khoản thu nhập trong 8 năm kể từ ngày bắt đầu là 80% lợi nhuận trước thuế từ chương trình hợp tác cho thuê, nhưng không thấp hơn 12,5% một năm trên giá căn nhà (giá chưa gồm VAT và phí bảo trì).

“Đến nay, khách mua bất động sản tại Cocobay chưa thiệt hại gì bởi chủ đầu tư vẫn chi trả lợi nhuận cam kết với con số lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Hiện còn lại một số của năm 2019 chưa chi trả. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn cam kết chi trả đầy đủ đến 31/12/2019″, ông Thành khẳng định.

Theo lãnh đạo Empire Group, các phương án được xây dựng đều trên tinh thần để cùng khách hàng giải quyết, song đơn vị này cũng chấp nhận việc đưa ra toà giải quyết.

Nói về nguyên nhân khiến dự án không thể thực hiện, đại diện Empire Group viện dẫn hai lý do chính: Một là về vấn đề pháp lý của condotel hiện không rõ ràng, trong khi đó khách hàng gây sức ép với chủ đầu tư về việc thực hiện cam kết sổ đỏ – sổ hồng; thứ hai là việc vận hành khai thác tình hình thực tế của thị trường cho thấy kết quả 2 năm đầu đều lỗ, còn sau đó có lãi chỉ 5-6% mỗi năm.

Nói về vấn đề này một số ý kiến cho rằng, cam kết lợi nhuận là một trong những điều khoản quan trọng của hợp đồng mua bán – cơ sở để khách hàng quyết định mua căn hộ. Do đó, khách hàng có thể yêu cầu chủ đầu tư huỷ bỏ hợp đồng mua bán, trả lại căn hộ đồng thời bồi thường thiệt hại vì phá vỡ điều khoản hợp đồng.

Song, cũng có một số ý kiến nêu quan điểm, ẩn sâu trong ánh hào quang của Condotel là những rủi ro tiềm ẩn mà khách hàng cần hết sức tỉnh táo, tìm hiểu kỹ rồi mới bỏ tiền đầu tư. Sự việc đến thời điểm này phải chấp nhận vì bản chất nhà đầu tư đang đầu tư mạo hiểm, nó không phải là kênh đầu tư kiếm lời nhanh chóng.

Theo Luật sư Bùi Quang Hưng, Văn phòng Luật sư BQH và Cộng sự, Chuyện xảy ra với dự án Cocobay Đà Nẵng là bất khả kháng vì chủ đầu tư cũng kiệt quệ về kinh tế. Hiện nay, khó khăn về tài chính như vậy là câu chuyện đòi hỏi sự chia sẻ rủi ro của tất cả mọi người. Như vậy, phải tính đến các phương án như chủ đầu tư đưa ra.

Tuy nhiên, chọn phương án nào là do mọi người nhưng phương án nào cũng có những thiệt thòi riêng. Phí quản lý và các phí khác bị trừ, đương nhiên nhà đầu tư phải chịu. Đặc biệt, những người đi vay ngân hàng mua nhà thì phải chịu rủi ro lớn hơn.

“Vấn đề câu chuyện đến nay mới vỡ lẽ, condotel chỉ là giấc mộng. Bài toán này cách đây 5 năm, tôi đã khuyên mọi người không nên mua nhưng vì họ quá “say” với lợi nhuận, cứ làm theo cam kết không đảm bảo, giờ đây rơi vào tình trạng đó thì làm sao có thể tháo gỡ được.

Ngân hàng bảo đảm là giao nhà đúng hạn thôi chứ không đảm bảo kinh doanh lỗ quay lại đòi tiền chủ đầu tư. Do đó, trong trường hợp này nhà đầu tư đưa ra những phương án đó cũng là thiện chí chia sẻ rủi ro. Giờ kiện cũng được nhưng “chờ được vạ má đã sưng”” – ông Hưng nói.

Cũng theo ông Hưng, câu chuyện cam kết chủ sở hữu chủ yếu là cam kết về tín chấp. Người ta đưa ra cam kết nhưng không có đảm bảo bằng bảo lãnh ngân hàng. Tín chấp là cái duy nhất người mua nắm giữ, khi rủi ro xảy ra nếu không giải quyết được, người mua tự chịu.

Trong hợp đồng có cam kết đơn phương huỷ hợp đồng sẽ bồi thường nhưng họ (chủ đầu tư) không đơn phương, họ vẫn giao nhà, vẫn đủ thủ tục. Chỉ có cam kết lãi suất là cam kết riêng biệt không có gì bảo đảm.

Rõ ràng chủ đầu tư làm, họ bảo vệ quyền lợi của họ rất tốt. Điều quan trọng, với ý tưởng kinh doanh của chủ đầu tư, nhà đầu tư cần sáng suốt hơn.

Thị trường bất động sản và condotel theo hình thức du lịch, là thị trường tiềm năng nhưng đòi hỏi nhà đầu tư tỉnh táo, có kiến thức, nếu không có kiến thức thì không nên đầu tư theo kiểu “đám đông”. Hiện nay việc phải trả tiền lãi ngân hàng là nhìn rõ, nhưng chênh lệch biến động mang lại từ bất động sản thì không là gì so với lãi ngân hàng. Người mua tự đặt mình vào khó khăn. Nó không phải là bánh vẽ để ai cũng có thể tính chuyện mua nhà kinh doanh trừ những người có nhu cầu nhà ở thật sự.

“Với hợp đồng do chủ đầu tư soạn thảo, không có điều khoản nào bất lợi cho họ khi huỷ cam kết. Điều duy nhất có thể mất là mất uy tín của họ mà thôi” – luật sư Hưng phân tích thêm.

You may also like...

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *